Sơ đồ 4-4-2 là phát minh của người Anh, được chính người Anh đưa lên đỉnh cao bằng danh hiệu vô địch thế giới năm 1966. Thực sự mà nói, 4-4-2 không phải là sơ đồ tuyệt vời nhất, nhưng đúng là sơ đồ bản lề để từ đó biến thể ra hàng loạt những sơ đồ khác.
Trong quá khứ, người Đức, người Ý và người Argentina từng giành World Cup có sơ đồ số lẻ hậu vệ, 3-5-2 mang biến thể 5-3-2, tuy nhiên, sơ đồ dạng này đòi hỏi phải sở hữu một libero kiệt xuất và đúng nghĩa. Với người Đức, họ có Beckenbauer và sau này là Matthaus, với người Ý, họ có Scirea, còn Argentina, là Daniel Passarella lừng danh. Với 1 vị trí đặc thù, đòi hỏi cả về kỹ chiến thuật, tư duy như libero, không phải thời nào cũng có, và không phải nền bóng đá nào cũng sản sinh được. Ở cấp độ ĐTQG, đa phần những đội bóng lên ngôi đều dùng sơ đồ 4 hậu vệ, sơ đồ 4-4-2 chính là sơ đồ thăng bằng nhất, nói cách khác, nó “an toàn” nhất, là sơ đồ hài hòa giữa công và thủ.
Đội hình 4-4-2 là đội hình phổ biến nhất
Tuy nhiên, đây là sơ đồ không có nhiều đột biến, những vị trí chơi hơi cô độc, tiêu biểu là những đội bóng Anh. Cho tới gần cuối thập niên 1990, Manchester United vẫn thống trị Premier League bằng sơ đồ này, dù vậy, chức vô địch Champions League 1999 mà họ dành được có lẽ là vinh quang cuối cùng của 4-4-2 cổ điền.
Sang thế kỷ 21, chứng kiến nhiều sự cách tân về chiến thuật dựa trên các biến thể của 4-4-2, mà đa phần là chiến thuật của người Ý, nơi bóng đá luôn được chú trọng chiến thuật và thực dụng hơn là tính giải trí như ở Anh. 4-2-3-1 sản sinh từ đây, 4-3-2-1 cây thông lừng danh cũng có mặt trên thế giới từ đây, và cả 4-2-2-2 nữa. Trong đó sơ đồ 4-2-3-1 được nhiều HLV ưa sử dụng nhất, điển hình là HLV Trapattoni, điểm mạnh của sơ đồ này chính là việc kéo thêm 1 tiền vệ nữa về vòng tròn giữa sân, nâng cao thêm an toàn cho việc phòng ngự với 2 tiền vệ trung tâm và 4 hậu vệ nữa là 6 người.
Chưa đề cập tiền vệ tấn công cũng có thể tham gia phòng ngự khi cần thiết, điều này giải phóng đa số nhiệm vụ phòng vệ cho cặp tiền vệ cánh, khiến họ thoải mái dâng cao, làm cho đa dạng thêm mặt trận tấn công, lúc này các tiền vệ cánh có thể kiêm cả nhiệm vụ của một hộ công, tiền đạo cánh, thậm chí dâng cao phối hợp với tiền đạo cắm như trong sơ đồ 4-3-3. Cũng từ sơ đồ này, tiền vệ hộ công vẫn gánh vác vai trò của 1 số 10, nhưng khi cần thì có thể dâng cao, chơi ngay phía sau trung phong như 1 số 9 rưỡi. Và cuối cùng, sơ đồ này đòi hỏi một trung phong siêu hạng, vừa có thể chơi rộng, biết phối hợp có những vệ tinh xung quanh, lại vừa có thể độc lập tác chiến trong vòng cấm. Về mặt này, có lẽ khó ai qua được Henry và Eto’o.
Đội hình như vậy giúp cân bằng giữa phòng thủ và tấn công
Nhưng sơ đồ 4-3-2-1 hình cây thông của Ancelotti cùng AC Milan thì khác, rẩt ít đội bóng với thể triển khai được sản phẩm của Ancelotti. Cốt lõi của biến thể này chính là vị trí của Pirlo, phẩm chất của Pirlo thế nào thì ai cũng đã rõ, Pirlo chơi thấp nhất trong hàng tiền vệ, làm nhiệm vụ triển khai thế trận từ vị trí này. Ngay phía trên anh là 2 gã đồ tể Ambrosini-Gattuso đảm nhận việc càn quét, che đậy cho số 21 thoả thích tung hoành, vị trí của Pirlo sắp giống Libero, cơ mà không phải Libero. Trên hàng công là một box-to-box hoàn hảo (Seedorf), một hộ công nức tiếng (Kaka), và một sát thủ vòng cấm đã thành bản năng (Inzaghi). Sơ đồ 4-3-2-1, cũng có thể gọi là 4-1-2-2-1, có lẽ chỉ với Milan-Carletto triển khai được mà thôi.
Có người đề cập tới sơ đồ 4-6-0 của TBN tại EURO 2012, thực ra đó là 4-5-1, với tiền đạo cắm Fabregas, tuy nhiên Cesc lại di chuyển siêu rộng, cộng thêm có việc Iniesta và Silva dâng cao, chưa đề cập tới sự cơ động của 2 hậu vệ biên cho nên mặt trận tấn công của TBN rất đa dạng. Chìa khóa của sơ đồ này là vị trí của cặp Busquets-Xavi với khả năng giữ nhịp và chuyền bóng không thể chê vào đâu được.
Tóm lại, các biến thể của 4-4-2 là vô cùng đa dạng, tất cả là nhờ điều chỉnh chiến thuật của HLV và sự đa năng của cầu thủ. Ronaldo tiến hóa từ tiền vệ cánh thành tiền đạo cánh, Messi từ tiền đạo cánh thành trung phong và hộ công, Scholes, Pirlo từ hộ công thành tiền vệ trung tâm…. và vô cùng đa dạng biến thể khác là hệ quả của sự cách tân chiến thuật.